3 thức uống giúp tăng đề kháng cho cơ thể

Lê hấp đường phèn, quýt ngâm hay nước chanh sả rất dễ làm, có tác dụng chữa ho lại giúp tăng sức đề kháng.

Lê hấp đường phèn

Lê là một trong những loại trái cây có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà bạn nên ăn thường xuyên. Quả lê chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vitamin C, K, B2, B3 và B6 cùng nhiều chất khác rất có lợi cho hệ miễn dịch. Thậm chí, vỏ quả lê chứa nhiều quercetin có tác dụng ngừa bệnh ung thư, do đó nhiều người khuyên bạn nên ăn lê nguyên vỏ. Thỉnh thoảng, muốn đổi món thì gợi ý dành cho bạn làlê hấp đường phènnguyên trái.

3 thức uống giúp tăng đề kháng cho cơ thể

Ảnh minh họa.

Bạn dùng một quả lê tươi ngon rồi cắt ngang phần gần cuống quả ra để làm nắp. Lê Hàn Quốc là lựa chọn khá tốt vì quả to, tròn. Khoét phần ruột tạo thành chiếc chén bằng quả lê. Bạn bỏ phần hạt đi, sau đó đổ mật ong hoặc đường phèn vào giữa, thêm một ít kỷ tử rồi đem hấp cách thủy tầm 40 phút là xong. Món này có tác dụng thanh mát, giải nhiệt ngày hè.

Còn nếu muốn làm công phu hơn, bạn có thể dùng 2 muỗng canh ruột lê cùng với10 gram gừng cắt lát mỏng, 3 quả táo tàu cắt nhỏ hạt, 5 gram thanh quế, kỷ tử, thêm mật ong vừa miệng. Sau đó đậy nắp lại, đem hấp cách thủy là xong. Lê hấp không những là thức uống trị ho, đau khan họng mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, làm đẹp da dành cho phải nữ.

Quýt ngâm đường phèn

Bên cạnh đó, bạn có thể chuẩn bị một hũquýt ngâm đường phèntrong nhà vừa có thể dùng làm “cứu cánh” để xoa dịu cổ họng lúc bị ho khan, mà còn là món tráng miệng mát lạnh cho mùa hè. Cách làm khá đơn giản với nguyên liệu chủ yếu là quýt chín và đường phèn.

3 thức uống giúp tăng đề kháng cho cơ thể

Chọn quả quýt ngon nhưng không cần quá ngọt vì đã có đường phèn cân bằng độ chua. Sau đó bạn lột vỏ, tách từng múi. Không cần phải bỏ hết các sợi màu trắng bọc bên ngoài múi quýt vì phần này có tác dụng giải nhiệt tốt. Chần sơ múi quýt qua nước đang sôi trên bếp trong khoảng 30 giây, vớt ra để ráo.

Pha hỗn hợp nước lọc và đường phèn, đem đun sôi cho đường tan hết thì cho quýt vào nấu tiếp khoảng 5 phút thì tắt bếp. Lưu ý, bạn nên canh nước sao cho ngập quýt để khi ngâm, múi quýt chìm hết dưới nước. Đợi quýt nguội thì cho vào hũ thủy tinh, có thể sử dụng sau 24 tiếng đồng hồ.

Đặt hũ quýt ngâm trong ngăn mát tủ lạnh, bạn bảo quản được khoảng 20 ngày. Ngoài công dụng trị ho, bạn có thể pha trà quýt hoặc múc một ít quýt ngâm đem trộn với đá dùng làm món tráng miệng lý tưởng.

Nước chanh sả

Nhiều người không lạ gì vớinước chanh sảnữa bởi đây là thức uống giải độc rất tốt, thường xuất hiện trong các thực đơn detox của phái nữ. Ngoài kiểu pha thông thường, bạn có thể biến tấu với gừng hoặc hạt chia cho phong phú.

3 thức uống giúp tăng đề kháng cho cơ thể

Đối với món chanh sả gừng, sau khi rửa sạch sả, cắt khúc khoảng 7 cm thì bạn đập dập sả. Tương tự, gừng giữ nguyên vỏ, cắt lát mỏng rồi đập dập. Nấu đường phèn cho tan hết, rồi cho hỗn hợp chanh sả vào, đun thêm khoảng 5 phút cùng một ít muối, sau đó tắt bếp, đợi nước nguội thì lọc bỏ xác. Đợi nước sả, gừng hoàn toàn nguội thì vắt thêm chanh theo khẩu vị, thêm đá vào là thưởng thức ngay. Nếu muốn dùng để giải cảm, giảm ho thì bạn nên uống nước chanh sả gừng nóng.

Món chanh sả hạt chia sẽ ngon hơn nếu bạn chuẩn bị sẵn siro sả. Để làm phần siro, bạn cắt sả thành khúc sau đó đun với đường trắng và nước lọc trên lửa lớn cho rồi rồi hạ lửa nhỏ, đun tiếp trong khoảng 15 phút đến khi hỗn hợp hơi sệt là được. Nhớ khuấy đều tay để không bị cháy nồi. Sau khi nguội thì đổ siro vào hũ thủy tinh, bảo quản trong tủ lạnh rồi dùng dần hoặc sử dụng ngay. Với 600 gram đường, bạn nấu cùng 750 ml nước và tầm 12 cây sả là ổn. Cuối cùng, bạn ngâm hạt chia với nước ấm cho nở rồi pha với siro sả, nước cốt chanh và nước lọc. Nêm nếm các thành phần hợp khẩu vị, thêm đá vào là chuẩn món giải khát dành cho ngày nóng.