Làm giàu từ cây ăn quả nhờ áp dụng kỹ thuật

Từ chỗ trồng cây được chăng hay chớ, bà con vùng cao huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã thuần thục các kỹ thuật thâm canh cây cây ăn quả, cho ra quả trái vụ.

Bắt cây “đẻ quả” trái vụ

Những trái na thơm ngon trái vụ của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) hiện đã bắt đầu cho thu hoạch. Trong khi đó, na trồng ở các vùng khác đã hết mùa.

Theo bà Đỗ Thị Khắc (thôn Cốc Sâm 2, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng), vườn na 3.000 gốc của gia đình đang chuẩn bị thu hoạch rộ. Đây là na trái vụ nên khả năng bán rất được giá.

Từ chỗ trồng cây được chăng hay chớ, bà con vùng cao huyện Bảo Thắng hiện đã biết cho cây na ra quả trái vụ, chất lượng rất tốt. Ảnh: Đăng Hải.

Từ chỗ trồng cây được chăng hay chớ, bà con vùng cao huyện Bảo Thắng hiện đã biết cho cây na ra quả trái vụ, chất lượng rất tốt. Ảnh: Đăng Hải.

Khi chưa áp dụng khoa học kỹ (KH-KT) thuật vào trồng na trái vụ, năng suất của vườn na rất thất thường, năm được, năm gần như mất trắng. Tuy nhiên, từ khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KH-KT của xã, huyện tổ chức, gia đình bà đã biết tự thụ phấn cho na ra quả đều và rải rác trong cả vụ.

Khi thấy nhiều nơi trồng na trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình bà đã tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng từ internet, khuyến nông xã và những hộ gia đình xung quanh về biện pháp thụ phấn nhân tạo cho na.

So sánh chất lượng, na trái vụ và na trồng đúng vụ thì bất ngờ là không có sự khác biệt. Song mức giá lại chênh lệch rất nhiều, gia đình hoàn toàn không bị động khi na được mùa, mất giá.

Do đó, chỉ riêng vườn na trái vụ của gia đình bà đã mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

“Để na ra trái vụ, cần cắt tỉa cành đúng thời điểm, giúp cây trẻ hóa, đâm chồi mới và ra hoa. Khi nụ hoa hé mở có màu trắng thì bắt đầu tiến hành thụ phấn nhân tạo. Sau đó đậu quả thì cắt bỏ những quả lép, quả méo từ 2 đến 3 đợt mỗi vụ. Sử dụng phân hữu cơ (phân trâu, phân gà) trộn lẫn tro rơm ủ hoai mục để có quả ngọt. Được chăm sóc tốt nên cây đủ dưỡng chất, gần như không có sâu bệnh”, bà Khắc nói.

Một mô hình cây ăn quả thành công khác đó là vườn bưởi của gia đình bà Nguyễn Thị Lan (thôn Cốc Sâm 5, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng). Vườn bưởi của gia đình bà với 150 gốc chủ yếu là bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng và bưởi năm roi. Các giống bưởi này được mua từ nhiều vùng khác nhau rồi mang về trồng, do đó mất rất nhiều công chăm sóc.

Bà Lan cho biết, để có vườn bưởi xanh mướt thế này, gia đình phải tìm hiểu rất kỹ về kỹ thuật trồng và áp dụng biện pháp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại đây. Sau hơn 3 năm, những gốc bưởi đầu tiên đã cho ra quả.

Không phụ công chăm sóc, phòng bệnh, nên khi bưởi đến vụ thu hoạch rất thơm ngon, giữ được hương vị gốc và sai quả. Do đó, gia đình bà mỗi năm thu trên 1.000 quả với giá bán trung bình 10.000 – 17.000 đồng/quả. Sau khi trừ chi phí cũng thu về ít nhất 120 triệu đồng mỗi năm.

Phát triển mạnh cây ăn quả nhờ áp dụng KH-KT

Vùng chuyên canh cây ăn quả của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) bước đầu đã đem lại hiệu quả nhờ bà con ứng dụng KH-KT vào trồng trọt.

Ba loại quả chủ lực của huyện này đang tập trung phát triển gồm na, nhãn, bưởi với mục tiêu nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế. Từ đó, giúp sản phẩm nông nghiệp của huyện có chỗ đứng trên thị trường với khả năng cạnh tranh cao.

Nhờ áp dụng KH-KT, đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhất là phát triển cây ăn quả mang lại thu nhập cao cho người dân vùng cao huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: Đăng Hải.

Nhờ áp dụng KH-KT, đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhất là phát triển cây ăn quả mang lại thu nhập cao cho người dân vùng cao huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: Đăng Hải.

Khi có những mô hình trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả trái vụ thành công, người dân bắt đầu mạnh dạn chuyển đổi đất lúa canh tác kém hiệu quả để trồng cây ăn quả. Có hộ chỉ tính riêng nguồn thu từ cây ăn quả lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ ở xã Phong Niên của huyện Bảo Thắng, hiện đã có 400ha cây ăn quả, ước thu hoạch từ mỗi năm lên đến khoảng 4 tỷ đồng.

Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Thắng cho biết, nhờ ứng dụng KH-KT, đến nay huyện đã có vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích 2.600 ha. Giá trị thu nhập trên 1ha của một số cây ăn quả chủ lực trung bình lên tới 250 – 300 triệu đồng.

Theo ông Quân, thời gian tới, mục tiêu của huyện sẽ tiếp tục đẩy nhanh các tiến bộ KH-KT vào thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân.