Những thanh niên Hoằng Hóa gắn bó với mô hình nông nghiệp sạch

Trong những ngày tháng 5 nắng như đổ lửa, theo chân cán bộ đoàn xã Hoằng Thắng, chúng tôi đến thăm khu nhà lưới của HTX nông nghiệp xanh công nghệ cao Hồng Nhuệ, có địa chỉ tại thôn Hồng Nhuệ 2, xã Hoằng Thắng. Anh Nguyễn Hữu Sự (sinh năm 1984), cán bộ kỹ thuật và cũng là 1 trong những thành viên của HTX niềm nở đón khách tại khu nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa lưới. Dẫn chúng tôi đi thăm những luống dưa xanh mướt, quả nào quả nấy tròn trịa, nặng trĩu sắp bước vào độ thu hoạch, anh Sự kể về “hành trình” đến với nông nghiệp công nghệ cao của anh và những người bạn.

Anh Nguyễn Hữu Sự kiểm tra cây trồng tại khu khảo nghiệm của HTX nông nghiệp xanh công nghệ cao Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng.

HTX nông nghiệp xanh công nghệ cao Hồng Nhuệ được thành lập đầu năm 2021. Trước đó, anh cùng người bạn thân là Nguyễn Phú Công (sinh năm 1985) luôn ấp ủ ý tưởng đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các anh đều sinh ra và lớn lên ở thôn Hồng Nhuệ 2 – nơi có những cánh đồng màu rộng thênh thang với truyền thống canh tác lâu đời, người nông dân cần mẫn, chịu thương, chịu khó gắn bó với nông nghiệp. Đây cũng là vùng đất trồng rau màu hiệu quả của huyện Hoằng Hóa từ nhiều năm trở lại đây.

Chính vì sinh ra và lớn lên trong “cái nôi” nông nghiệp, gắn bó với đồng ruộng, hơn ai hết, các anh thấu hiểu nỗi vất vả của ông bà, bố mẹ, anh chị em – những người nông dân một nắng hai sương để sản xuất ra nông sản, như dưa hấu, dưa lê, bầu, bí… Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư cơ khí của Trường Đại học Nông nghiệp, anh Sự đã lựa chọn đầu tư theo hướng ngành nghề dịch vụ mạ khay, máy cấy để hỗ trợ người nông dân, giải phóng bớt sức lao động. Công việc chính của anh là đi hỗ trợ kỹ thuật, máy móc cho các đơn vị làm dịch vụ mạ khay, máy cấy.

Anh Công tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa, có công việc ổn định với mức lương cao tại một nhà máy thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn. Công việc chính đi vào ổn định, các anh quyết định cộng tác để thực hiện dự định đầu tư một khu trồng trọt theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo việc làm cho những người thân trong gia đình, cũng như xây dựng thương hiệu nông nghiệp sạch cho quê hương Hoằng Thắng.

Từ ý tưởng hợp tác với suy nghĩ “một cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao”, các anh đã bắt tay cùng nhau huy động vốn, tìm kiếm đất đai, thuê mua lại của các hộ gia đình để triển khai dự án. Công việc tìm kiếm đất đai cũng không hề đơn giản, bởi nơi địa hình ưng ý, đất đai màu mỡ thì người dân lại không tha thiết chuyển nhượng hay cho thuê. Trăn trở, lựa chọn, cuối cùng 2 anh quyết định thuê lại 2 khu đất ở 2 xứ đồng khác nhau để thực hiện mô hình.

Một khu với diện tích 750m2 để làm khảo nghiệm các loại cây trồng; một khu 6.500m2 vốn là vùng đất trũng, trồng lúa kém hiệu quả để xây dựng nhà lưới làm nơi sản xuất chính. Đối với khu đất này, các anh đã phải đầu tư không ít công sức và tiền của để tôn tạo, xây dựng hệ thống kênh mương thoát nước, lắp đặt nhà lưới, hệ thống tưới tự động…

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực hết mình của những người tâm huyết, anh Công, anh Sự đã nhận được sự ủng hộ từ phía người thân, bạn bè; sự hỗ trợ, khuyến khích bằng vật chất và tinh thần từ chính quyền địa phương và các phòng, ngành có liên quan của huyện Hoằng Hóa. Động lực đó đã giúp các anh khắc phục những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, hình thành nên một khu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với sản phẩm chủ lực hiện nay là dưa lưới, dưa Kim Hoàng hậu mang thương hiệu Nhung Farm.

Anh Sự chia sẻ: “Để hình thành được một khu sản xuất quy mô ban đầu như thế này, các anh đã đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng. Để duy trì sản xuất, chăm sóc cây trồng, các anh phải thuê 4 lao động chính và nhiều lao động thời vụ. Tín hiệu vui từ những lứa dưa đầu tiên cho thu hoạch và xuất bán ra thị trường là động lực giúp các anh tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa, sắp xếp thời gian công việc chính để quản lý, điều hành tốt khu sản xuất bởi đó không chỉ là tâm huyết với mục tiêu phát triển kinh tế, làm giàu từ nông nghiệp mà còn là trách nhiệm với chính đồng đất quê hương”.

Mô hình trồng rau an toàn của thanh niên Lê Đình Sỹ, sinh năm 1984, thôn Quang Trung, xã Hoằng Đồng cũng là mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp của “ông chủ” trẻ. 37 tuổi, trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng anh Sỹ vẫn quyết định quay về quê hương để thực hiện mục tiêu làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.

Thực hiện đổi điền, dồn thửa lần thứ 3 trên địa bàn xã, năm 2017-2018, anh và gia đình đã vay mượn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để mua lại đất nông nghiệp của các hộ nông dân đầu tư trồng rau an toàn trong nhà lưới. Trong 1.500m2 đất, anh xây dựng nhà lưới 1.000m2, trồng các loại rau, củ, đặc biệt là làm rau trái vụ, xen canh, luân canh gối vụ, lấy ngắn nuôi dài. Thời gian đầu mới triển khai mô hình, do chưa có kinh nghiệm, thời tiết bất lợi nên cũng gặp phải không ít khó khăn, trở ngại, thậm chí là thất bại, thiệt hại.

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi kiến thức, trải nghiệm thực tế, cùng sự kiên trì, chịu khó, đất đã không phụ công người, những mùa vụ sau đó có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả kinh tế, anh Sỹ cho rằng giá thành của rau hiện nay còn thấp nên nếu không kết hợp các mô hình sản xuất thì hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Đầu năm 2021, anh Sỹ chuyển đổi một phần diện tích sang nuôi ốc nhồi thử nghiệm nên xây 3 bể nuôi với diện tích 14m2/bể. Ốc nuôi đã được thả khoảng hơn 1 tháng trước và đang phát triển tốt.

Nếu thử nghiệm thành công, anh Sỹ dự định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư xây dựng các bể nuôi ốc với diện tích khoảng 100m2. Mô hình sẽ kết hợp vừa trồng rau, vừa nuôi ốc nhồi, rau trồng được vừa xuất bán ra thị trường, vừa kết hợp làm thức ăn cho ốc… Đây cũng là hướng đi mới để anh có thể nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp của riêng mình.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, song trên con đường ấy có những đam mê, hoài bão và niềm vui mà không phải ai cũng cảm nhận được một cách rõ ràng khi gắn bó với từng thửa đất, ngọn cây đơm hoa, kết trái mỗi ngày. Trên địa bàn Hoằng Hóa, mặc dù những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp tuy chưa nhiều, hiệu quả chưa thực sự nổi bật rõ rệt song gặp gỡ những con người như anh Sự, anh Sỹ, chúng tôi cảm nhận được nghị lực, đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự kỳ vọng về một tương lai tươi sáng đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp của huyện Hoằng Hóa.

Những câu chuyện cụ thể của họ sẽ là nguồn cảm hứng để những người trẻ có thêm động lực thực hiện những dự định, kế hoạch cho tương lai của mình. Đúng như điều mà đồng chí Bí thư Huyện đoàn Hoằng Hóa Lê Thanh Bình từng chia sẻ: Những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp của thanh niên Hoằng Hóa tuy chưa nhiều song sẽ là xu hướng được nhiều thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám lựa chọn đầu tư bởi đó là xu hướng phát triển bền vững khi nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch mà huyện Hoằng Hóa đã và đang tập trung thực hiện.