Nông dân bất lực nhìn bưởi héo queo, chè chết cháy hàng loạt

Nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến lượng nước trong các ao hồ, đập cạn trơ đáy, hàng ngàn héc ta chè và bưởi Phúc Trạch tại huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) khô héo, chết cháy. Người dân đã tìm mọi cách cứu sống những giống cây này, nhưng tình hình không mấy khả quan. Nguy cơ bưởi mất mùa, chè biến thành củi đang khiến người dân đứng ngồi không yên.

Nắng nóng kéo dài khiến cây chè bị chết khô, không thể phục hồi tại xã Phúc Trạch. Ảnh: Khánh Chi

Bưởi héo úa, quả cháy xém

Huyện Hương Khê được xem là “chảo lửa” khu vực miền Trung bởi độ nắng nóng cao nhất vùng, với nhiệt độ từ 38 – 42 độ C. Hơn một tháng nay, người dân huyện miền núi này đang từng ngày quay quắt chống chọi với nắng nóng như thiêu, như đốt. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn do tình trạng thiếu nước sinh hoạt, cây cối héo khô, không có nước tưới.

Tại xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê), nơi được coi là “thủ phủ” của giống bưởi đặc sản Phúc Trạch, người dân đang mất ăn, mất ngủ tìm cách cứu vãn những đồi bưởi đang dần héo khô. Nhiều gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng mua máy móc, đường ống để dẫn nước về, nhưng số diện tích bưởi bị chết ngày một tăng lên.Mỗi năm, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (xã Phúc Trạch) thu nhập khoảng 200 – 300 triệu đồng từ hơn 1.000 gốc bưởi, cam. Tuy nhiên, hạn hán kéo dài, đồi bưởi, cam của gia đình chị đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Sau những ngày nắng nóng với nhiệt độ dao động từ 38 – 42 độ C đã khiến hơn 30% diện tích bưởi bị héo úa, quả cháy sém.

Mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm bộ quần áo bảo hộ, chị Thanh lo lắng: “Tính đến nay đã gần 2 tháng ở đây không có giọt mưa nào rồi. Gia đình tôi đã hơn 20 năm vào đây lập nghiệp, khai hoang, trồng giống bưởi đặc sản, nhưng chưa có năm nào thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Đầu năm, thấy bưởi sai hoa, ai cũng vui mừng, vậy mà nay, hơn 30% gốc bưởi trong vườn đã héo, có nguy cơ chết, số còn lại cũng khó cầm cự nếu sắp tới không có mưa. Tôi đã tìm mọi cách lấy nước từ các khe suối để cứu vườn bưởi, nhưng thời tiết quá khắc nghiệt. Nhìn cây héo từng ngày rồi chết dần mà nóng ruột, nóng gan”.

Ông Trần Viết Hòa, Phó Giám đốc Xí nghiệp chè 20/4 cho biết: “Hiện, các hồ đập chỉ đáp ứng việc tưới nước cho khoảng 50% diện tích đồi chè, còn các diện tích khác chỉ trông chờ vào trời mưa. Nếu tình trạng nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì diện tích chè tại địa phương bị chết cháy tăng lên đáng kể, người dân sẽ thiệt hại nặng nề”.

Theo chị Thanh, khó khăn nhất là tìm nguồn nước tưới cho cả đồi cam, bưởi. Để có nguồn nước tưới cho cây, chị đã đầu tư gần 10 triệu đồng mua đường ống, máy phát về dẫn nước dưới khe suối, tuy nhiên, nước suối cũng đã cạn dần. Ngoài ra, chị mua những bọc giấy về để bọc quả khỏi bị cháy sém và vớt bèo tây về phủ xung quanh gốc giữ ẩm cho cây.

Thống kê sơ bộ, huyện Hương Khê hiện có gần 2.500ha bưởi, trong đó, khoảng 700ha có nguy cơ thiếu nước do tình trạng hạn hán kéo dài. Các địa phương đã tích cực hướng dẫn bà con tận dụng tối đa các nguồn nước tự nhiên, tưới tiêu hợp lý và thực hiện các biện pháp chống nóng cho cây, hạn chế tối đa thiệt hại.

Chè khô như củi

Không chỉ riêng cây ăn quả, mà hơn 170ha chè ở vựa chè Hương Trà (huyện Hương Khê) cũng bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng kéo dài trong thời gian qua. Trong đó, lo ngại nhất là 7ha đã bị chết khô, không thể phục hồi. Theo người dân, toàn bộ diện tích này đều tập trung tại đồi chè của Nông trường 20/4, thuộc Công ty cổ phần chè Hà Tĩnh quản lý, chủ yếu là những giống cây mới trồng từ 2 – 3 năm tuổi.

Trước tình trạng đó, Xí nghiệp chè 20/4 cùng người dân đã huy động người, phương tiện để tưới tiêu, cứu số lượng chè còn có khả năng sống sót. Máy bơm nước được huy động chạy với công suất tối đa vào buổi sáng và buổi tối để phun nước tưới cứu những gốc chè. Tuy nhiên, tại các hồ, sông suối trên địa bàn, nước đã cạn trơ đáy nên nguồn nước tưới tiêu cũng không còn. Tình trạng “khát nước” kéo dài khiến chè bị rụng và cháy lá. Nhiều cây chết khô, không cứu vãn được, người dân chất thành đống đem về làm củi.

Bưởi đặc sản Phúc Trạch đứng trước nguy cơ mất mùa. Ảnh: Khánh Chi

Trồng hơn 7 sào chè, mỗi năm, chị Vũ Thị Thoan thu về xấp xỉ 100 triệu đồng tiền chè búp, thế nhưng, năm nay, chị vẫn chưa thu được đồng nào do búp chè đang đến kỳ thu hoạch thì bị cháy hết bởi trận nắng kỷ lục. Đến nay, hơn 20% diện tích chè đã bị chết cháy, dù chị Thoan tìm mọi cách lấy nước cứu đồi chè, nhưng tình hình không cải thiện được bao nhiêu. Nếu tình trạng này kéo dài, diện tích cây chè bị chết yểu còn lớn hơn rất nhiều. “Cả gia đình đều trông chờ vào số diện tích chè này, nhưng giờ coi như mất trắng. Tôi chỉ mong cứu được cây không bị chết chứ giờ thay cây giống mới cũng tốn kém và mất nhiều thời gian” – Chị Thoan buồn bã.

Chè là giống cây chủ lực, giúp người dân xã Hương Trà có nguồn thu nhập ổn định từ nhiều năm nay. Theo người dân, giống chè này là chè Phú Thọ, vòng đời của cây tồn tại khoảng 30 năm. Mỗi vụ chè kéo dài khoảng 7 tháng, mỗi tháng hái 4 lần. Trung bình một tháng, mỗi hộ dân thu được 2 tấn chè búp tươi, được xí nghiệp chè thu mua với giá khoảng 7 triệu đồng/tấn. Những năm trước, thời điểm này, chè đang vào vụ thu hoạch, nhưng năm nay, người dân vẫn đang tập trung tìm từng giọt nước để cứu sống cây chè.