Bình Thuận công bố 10 sản phẩm chế biến từ trái thanh long

UBND tỉnh Bình Thuận vừa công nhận 30 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2024 để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Trong đó có tới 10 sản phẩm chế biến từ thanh long được áp dụng công nghệ kỹ thuật cao.

Theo Quyết định số 1464/QĐ-UBND về việc công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2024 và tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024, các sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chế biến từ thanh long bao gồm: Các sản phẩm thanh long đỏ lên men; nước ép thanh long 100% nguyên chất; bộ sản phẩm thanh long sấy dẻo đỏ, thanh long sấy dẻo trắng; bộ sản phẩm rượu vang thanh long đỏ và rượu vang thanh long trắng; nước ép thanh long Bảo Long; bộ sản phẩm vang Khải Hoàn thanh long trắng và vang Khải Hoàn thanh long đỏ; bộ sản phẩm rượu vang thanh long Pitayana trắng và rượu vang thanh long Pitayana đỏ; dầu hạt thanh long; bộ sản phẩm trà hoa thanh long; hoa thanh long sấy.

Nhiều năm qua, các sản phẩm từ thanh long đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn tại tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 26.500 ha thanh long, sản lượng khoảng 570.560 tấn/năm. Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh, với trên 30 ngàn hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70.000 – 80.000 lao động.

Vườn thanh long tại Bình Thuận. Ảnh: ĐVCC

Vừa qua, Đề án Phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Bình Thuận chính thức phê duyệt. Mục tiêu đặt ra là ổn định diện tích, phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sinh thái, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Bình Thuận đặt mục tiêu gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm, thu nhập cao, tăng giá trị xuất khẩu, phát huy thương hiệu thanh long Bình Thuận. Song song, liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm ổn định đời sống của nông dân trồng thanh long, góp phần phát triển ngành nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải.

Theo mục tiêu đề án này, từ diện tích thanh long toàn tỉnh hiện tại với gần 26.500 ha, đến năm 2030, Bình Thuận sẽ ổn định diện tích thanh long khoảng 25.000 ha, tập trung tại các huyện trọng điểm, gồm Hàm Thuận Nam (12.600ha), Hàm Thuận Bắc (5.000ha), Bắc Bình (3.000ha), Hàm Tân (2.000ha)…

Mục tiêu của đề án đã đặt ra tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) đạt khoảng 70-75% so với tổng diện tích. Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho việc hình thành nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái thanh long.

Các sản phẩm làm từ thanh long áp dụng công nghệ cao. Ảnh: ĐVCC

Để đạt được những mục tiêu này, UBND tỉnh Bình Thuận đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về phát triển thanh long. Hiệp hội thanh long Bình Thuận phát huy vai trò là đại diện, cầu nối với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng của tỉnh, đủ năng lực quản lý chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm đối tác, khách hàng để mở rộng, khai thác thị trường xuất khẩu sang các nước đã có bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Song song, tỉnh quan tâm phát triển thị trường thanh long trong nước, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, đơn vị tổ chức các đề tài nghiên cứu để sản xuất ra các sản phẩm từ thanh long đã mở ra nhiều hướng đi mới để từng bước khai thác các tiềm năng, nâng cao giá trị, để mặt hàng này có thể phát triển một cách căn cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng. Khâu chế biến được thúc đẩy đa dạng sản phẩm sau thu hoạch của thanh long, tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Bước đầu, thanh long Bình Thuận đã được đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, nhiều công ty, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu sản phẩm mới từ thanh long, tạo đầu ra cho trái thanh long. Trong đó có thể kể đến sự thành công của bánh mì, mì tôm làm từ trái thanh long.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu