Cao Bằng: Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989 đến nay đã phát triển rộng khắp cả nước và đạt được những kết quả nổi bật. Tỉnh Cao Bằng hiện có 10 Hội nông dân cấp huyện, 161 cơ sở Hội, 1.454 chi hội với tổng số 93.475 hội viên, nông dân.

Phong trào SXKD giỏi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã trở thành một trong những phong trào thi đua sâu rộng của nông dân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng tham gia tích cực. Từ phong trào nhiều nông dân đã vươn lên trở thành những hộ khá, hộ giàu góp phần to lớn, quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.

Với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, các phong trào thi đua yêu nước nói chung đặc biệt là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã được các cấp Hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Phong trào thi đua đã được các cấp Hội triển khai nghiêm túc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả; thường xuyên đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, công tác thông tin đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân.

0
Mô hình kinh doanh trồng trọt, chăn nuôi kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ Bà Hoàng Thị Bướm tại tổ dân phố 1, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng

Các cấp Hội chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông như: Báo Cao Bằng, Đài phát thanh truyền hình các địa phương tăng cường công tác thông tin quảng bá và tiêu thụ nông sản cho nông dân; tuyên truyền các gương điển hình, các mô hình sản xuất hiệu quả; tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giúp cho hội viên, nông dân nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Để nâng cao chất lượng phong trào, Hội nông dân các cấp đã triển khai 697 dự án với 3.665 lượt hộ vay Quỹ “Hỗ trợ nông dân” để đầu tư phát triển sản xuất với tổng số tiền hơn 85 tỷ đồng. Tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 18.117 hộ vay 1.109 tỷ đồng; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 34,341 tỷ đồng cho 713 hộ vay; vay Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt 7,245 triệu đồng cho 154 hộ vay để hội viên, nông dân có vốn phát triển trồng trọt, chăn nuôi…

2
Mô hình trồng cây Na Đài Loan tại xóm Hồng Định 6, xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hòa – tổ sản xuất cây Na gồm 10 thành viên tham gia với diện tích 01 ha.

Nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững, các cấp Hội đã vận động hội viên đóng góp, ủng hộ giúp đỡ gia đình chính sách, gia đình neo đơn, hộ nông dân hoàn cảnh khó khăn gần 3 tỷ đồng; giúp cây, con giống, lương thực, thực phẩm trị giá trên 6 tỷ đồng, cho mượn 55 ha đất canh tác, cho vay không lấy lãi 407 triệu đồng; giúp sửa chữa nhà ở, làm chuồng chăn nuôi, thu hoạch mùa vụ 39.691 ngày công lao động.

Phối hợp với các công ty cung ứng cho hội viên, nông dân 2.324,11 tấn phân bón các loại theo phương thức chậm trả trị giá trên 18,83 tỷ đồng; cung ứng 1.944 tấn giống ngô, lúa, cây trồng trị giá trên 2,394 tỷ đồng, 17 tấn thuốc bảo vệ thực vật trị giá 17 tỷ đồng, 74 tấn thức ăn chăn nuôi trị giá 1,398 tỷ đồng, cung cấp 552 máy nông nghiệp trị giá 4,303 tỷ đồng cho hội viên, nông dân trồng trọt, chăn nuôi kịp thời vụ…

1
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Từ phong trào ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã đầu tư phát triển trồng cây, nuôi con có lợi thế; nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất chuồng trại… góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên. Cùng với đó, hội viên, nông dân tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tích cực tham gia đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế, tham gia sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Với những cách làm hiệu quả, thiết thực, chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ngày được nâng lên, nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, có mức thu nhập cao hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2023, toàn tỉnh có 10.914 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Trong đó, 36 hộ đạt SXKD giỏi cấp Trung ương, 233 hộ đạt cấp tỉnh, 1.074 hộ đạt cấp huyện, 9.571 hộ đạt cấp cơ sở. Những kết quả đạt được từ phong trào đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu; khơi dậy mối đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, thời gian tới các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình SXKD phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến phù hợp với mỗi địa phương. Gắn phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với việc đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, tăng cường tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân… góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh.