FTA – hỗ trợ nâng tầm nông sản Việt Nam xuất khẩu như thế nào?

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam, đặc biệt là nông thủy sản, mạnh dạn bước ra thế giới.

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Với 16 FTA đã đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn, phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, Việt Nam trở thành 1 trong số 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Các FTA đã giúp Việt Nam gia tăng đáng kể sản lượng xuất khẩu, với mức tăng trưởng hơn 20%, một số thị trường tăng hơn 30%, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang các thị trường FTA đạt hơn 30 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có FTA đều phục hồi tích cực.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD (tăng thêm 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

1
Việc EU đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm thực thi Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường liên minh. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnamplus).

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với số lượng lớn nhất, chiếm tới 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tại Australia, tôm Việt Nam được người dân rất ưa chuộng. Nếu như năm 2019 xuất khẩu tôm Việt Nam sang xứ sở Kangaroo đạt 127 triệu USD thì hết năm 2022 (1 năm sau khi RCEP có hiệu lực) con số này đã tăng gấp đôi, lên 272 triệu USD. Thế mạnh của tôm Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường này không chỉ ở chất lượng, khả năng cung ứng mà còn do trình độ chế biến hàng giá trị gia tăng. Đáng chú ý, Australia đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ các nước khác do trình độ chế biến chưa cao bằng Việt Nam.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe nhìn nhận: Nhờ lợi thế từ các FTA, hàng thủy sản Việt Nam đã tăng được tính cạnh tranh, bù đắp sự sụt giảm do các yếu tố khách quan mang lại, nổi bật nhất phải kể đến kết quả năm 2022 khi kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD.

Mặt hàng gạo, một trong những thế mạnh của Việt Nam, cũng rộng cửa vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) nhờ FTA Việt Nam-EU (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 8/2020. Việc EU đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm thực thi Hiệp định mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường liên minh. Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.

Năm 2023, xuất khẩu gạo sang EU tăng 10% về sản lượng và giá trị so với năm 2022, đạt khoảng 104.000 tấn, kim ngạch 71,7 triệu USD – con số cao nhất từ trước đến nay thể hiện rõ nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng lợi thế từ EVFTA.

Nhờ ưu đãi thuế quan từ EVFTA, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với gạo ở các thị trường khác. Dù khối lượng xuất khẩu gạo sang EU không nhiều, nhưng Việt Nam đã xuất khẩu được những chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm cho giá trị cao.

Cùng chung niềm vui với mặt hàng gạo, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả trong nước đã tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực.

Hiện, EU là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả. Nếu như năm 2023, xuất khẩu rau quả sang EU tăng 30% so với năm 2022 thì năm nay, dự báo xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng 2 con số, ước đạt hơn 300 triệu USD.

Tự hào là sản phẩm xuất khẩu đứng thứ hai thế giới – cà phê Việt Nam cũng là mặt hàng được hưởng lợi lớn từ các hiệp định FTA. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,77 triệu tấn, đạt trên 4,05 tỷ USD. Riêng thị trường EU chiếm 38,3% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả nước. Sang năm 2023, EU đã chi khoảng 1,66 tỷ USD mua cà phê từ các nhà cung ứng Việt Nam.

EVFTA đã giúp ngành cà phê gia tăng giá trị và tiếp tục mở rộng thị phần tại đây. Hiện, EU vẫn đang là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới và Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho EU (chỉ sau Brazil).

Nâng cao hơn nữa hiệu quả các FTA

Việc khai thác hiệu quả các FTA để giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu là những nội dung tiếp tục được các đại biểu tham gia Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV quan tâm trong phiên chất vấn ngày 5/6 dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới để khai thác được các FTA là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao việc tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng.

2
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 5/6. (Nguồn: Bộ Công Thương).

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tiến độ đàm phán, ký kết hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp và cập nhật thông tin để có phản ứng phù hợp; hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng tiếp cận thị trường về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn kỹ thuật; cảnh báo và bảo quản, bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ phòng vệ thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Việc đẩy mạnh đàm phán hiệp định thương mại tự do, thu hút chủ đầu tư nước ngoài để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu là bước đi cần thiết. Bởi nếu không như vậy thì chúng ta không thể có vốn đầu tư lớn, không thể có công nghệ tiên tiến, không thể có kinh nghiệm quản trị và đặc biệt là thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu kéo dài chủ trương này thì sẽ trở thành nền kinh tế gia công, sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.