Trám ở Nghệ An được ví như “vàng đen” khi giá thành của loài quả này cao ngất ngưởng. Các thương lái đã phải đặt “mua quạ” khi cây trám vừa ra hoa. Nhưng năm nay trám mất mùa, nhiều thương lái lỗ hàng trăm triệu đồng.
Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An được xem là thủ phủ của trám đen. Sở dĩ trám đen ở đây nổi tiếng hơn cả các địa phương khác vì có chất lượng thơm ngon đặc trưng. Trám đen chủ yếu tập trung ở xác xã như Thanh Nho, Cát Văn, Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Lâm,…
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Thanh Chương có khoảng trên 1.000 cây trám cổ thụ; khoảng 5.000 cây trám ghép, sản lượng trám hàng năm ước đạt khoảng 350-400 tấn.
Quả trám có hình thoi, khi chín có màu tím đen, ruột màu vàng, hạt cứng nhọn hai đầu, nhân hạt trắng ngần. Quả trám được chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng đắt đỏ như: Trám kho thịt lợn, trám muối, xôi trám,…
Trước đây người dân hái trám để bán lẻ ở các chợ nhưng từ khi trám trở thành đặc sản, thì các thương lái tìm đến đặt mua khi trám còn ra hoa.
Theo các thương lái, sản lượng trám trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để tránh tình trạng tranh nhau mua khi mùa thu hoạch đến và tránh tình trạng trám bị đẩy giá cao, những thương lái đã “mua quạ” (Một cách mua ước lượng, không cân đo đong đếm – PV) cả cây từ khi ra hoa.
Trám huyện Thanh Chương thơm ngon nức tiếng nên không chỉ thương lái trong huyện, trong tỉnh mà cả các tỉnh phía Bắc cũng vào thu mua.
Vì mất mùa khiến giá trám quả tăng cao. Hiện, giá trám tươi dao động ở mức 120.000-130.000 đồng/kg, trám loại 1 có thể lên tới 150.000 đồng/kg.
Việc mua trám được xem như một kiểu “đặt cược” vì ngoài kinh nghiệm còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm nào, thời tiết thuận lợi, cây trám sai trái thì lãi đậm, còn ngược lại thì lỗ nặng.
“Mùa trám này cũng giống như các năm trước tôi đều đến nhà người dân, đánh giá trám khi còn nở hoa và “mua quạ” luôn thời điểm này.
Năm nay, tôi đầu tư gần 1 tỷ đồng mua quả của hơn 135 cây trám rải rác trên địa bàn các xã. Với số lượng cây đã đặt, tôi ước tính sẽ đạt được sản lượng 20 tấn quả, nhưng thực tế năm nay chỉ đạt được 2 tấn quả.
Đầu tư gần 1 tỷ đồng nhưng không biết năm nay có thu hồi được 200 triệu đồng hay không. Bởi ngoài tiền “mua quạ”, chúng tôi còn phải thuê nhân công để hái và nhặt trám nữa”, anh Lưu Công Long, một thương lái chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Hùng, trú tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương gom được hơn 400 triệu đồng để kinh doanh trám đen. Từ khi trám bắt đầu trổ hoa, người đàn ông này đã rong ruổi ở các xã của huyện Thanh Chương để đặt cọc mua trám.
“Mua trám kiểu này như đặt cược may rủi. Năm nào thời tiết thuận lợi, quả nhiều thì có lợi nhuận. Nhưng năm nay mất mùa nặng, may mắn lắm thì thu hồi được nửa vốn, mất đứt hơn 200 triệu đồng”, anh Hùng cho biết.
Theo các thương lái, khi mùa trám thất thu thì nhiều hộ trồng trám cũng chia sẻ rủi ro với họ. Có hộ dân giảm 2/3 phần thanh toán còn lại, có hộ thì cam kết để thương lái thu hoạch mùa sau bù lỗ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Xuân Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương cho biết, cây trám đen trên địa bàn đã mang lại một nguồn thu nhập khá cho người dân. Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện Thanh Chương có 5.000- 6.000 cây trám, chủ yếu tập trung ở các xã như Hạnh Lâm, Cát Văn, Thanh Hoà,…
Trám năm nay mất mùa nặng do thời tiết diễn biến thất thường. Thời điểm trám ra hoa gặp mưa nhiều nên tỷ lệ đậu trái không cao.