Trồng cây dược liệu có tên lạ, anh nông dân Quảng Nam lãi nửa tỷ mỗi năm

Chọn huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) để khởi nghiệp trồng cây dược liệu dây leo, anh Hà Văn Hưng có doanh thu khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

Caption
Hình ảnh cây chè dây leo trong rừng.

Chè dây là một trong những dược liệu lành tính từ núi rừng, có tác dụng kháng viêm, giải độc, thanh thử nhiệt. Được áp dụng trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh mà thông dụng nhất chính là bài thuốc chữa bệnh dạ dày.

Chè dây là loại cây dây leo cao không quá 1m và dây leo dài khoảng 2 – 3m, thường bám vào thân của cây khác, mọc tự nhiên ở trong rừng. Cành hình trụ mảnh, tua cuốn mọc đối diện với lá và chia làm 2 – 3 nhánh.

Lá 2 lần kép dài khoảng 7 -10cm, có răng cưa hơi giống với lá kinh giới nhưng lại có viền màu tím. Mặt lá nhẵn, mặt phía dưới màu xanh nhạt và mặt phía trên có màu xanh thẫm. Lá khi còn non sẽ có màu xanh thiên đỏ và càng về già sẽ càng xanh.

Hoa của cây gần giống với nụ tam thất, mọc thành từng chùm và có màu trắng. Mùa hoa khoảng từ tháng 6 – 7. Quả chè dây có màu đỏ và nhỏ như quả si, mùa quả vào khoảng tháng 9 hằng năm.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô đưa tin, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Bình, rong ruổi mưu sinh nhiều nơi, anh Hà Văn Hưng (sinh năm 1989) đã chọn gắn bó với huyện Đông Giang (Quảng Nam). Giờ đây, anh đã xây dựng được cơ ngơi của mình là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại OCH, chuyên sản xuất sản phẩm từ cây chè dây.

Kể về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Hưng nhớ lại, sau khi học xong phổ thông, anh vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh với mong ước xây dựng cuộc sống tươi đẹp trong tương lai. Sau một thời gian, nhận thấy chốn phồn hoa đô thị ấy không phù hợp với mình, anh rời TP Hồ Chí Minh trở về quê hương tìm tòi hướng đi mới.

Được một người bạn giới thiệu về vùng núi Quảng Nam, anh Hưng quyết tâm lên đường với kế hoạch sẽ thuê đất, vay tiền trồng cây để làm vốn sau về quê kinh doanh.

“Khi đến Quảng Nam, tôi chỉ có hai công việc để lựa chọn là đào vàng và khai thác keo. Trong đầu lúc ấy chỉ nghĩ làm gì để có tiền nhanh nên tôi chọn làm vàng. Thời gian làm vàng, tôi quen biết nhiều người đồng bào Cơ Tu. Duyên nợ với vùng đất Đông Giang cùng cây chè dây có lẽ cũng bắt đầu từ đây.

Caption
Anh Hưng (bên phải) hướng dẫn các khâu trồng, chăm sóc, thu hái chè dây. Ảnh: Đoàn Minh.

Tôi được người dân mời loại nước uống được nấu từ một loái lá cây rừng, ban đầu sợ khó uống nhưng khi thưởng thức lại bất ngờ với hương thơm nhẹ, vị ngọt thanh đọng ở cổ sau một ngụm nước đầy. Hỏi ra, tôi được biết đây là cây chè dây, tốt cho đường tiêu hóa, đặc biệt rất hiệu quả với bệnh dạ dày, an thần, giúp ngủ ngon… sau đó, tôi uống nước chè dây hàng ngày. Điều bất ngờ là đến nay bệnh dạ dày nhiều năm của tôi giảm hẳn”, anh Hưng chia sẻ.

Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây chè dây nhưng làm sao để thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ cây chè dây này khiến anh băn khoăn tìm hiểu. Những trăn trở ấy đã giúp anh nhận ra cơ hội của mình và chọn khởi nghiệp với cây chè dây trên vùng đất Đông Giang.

“Tôi lập kế hoạch mười năm sau phải có vốn để kinh doanh chè dây. Tất cả các khoản chi tiêu của tôi đều được thắt chặt. Tháng 4/2012, tôi quyết định một mình vào rừng thuê 5 ha đất làm trang trại chăn nuôi trâu bò, chuyên tâm làm để trả nợ ngân hàng và tích góp vốn cho kế hoạch của mình”, anh Hưng nhớ lại.

“Ban đầu, bố mẹ cho mượn 50 triệu đồng mua giống. Sau vài năm, trang trại có gần 100 con trâu bò các loại. Đến năm 2020, duyên đến, tôi quyết định dùng số vốn bao năm tích cóp để thực hiện giấc mơ, thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại OCH.

Khởi nghiệp đúng mùa dịch Covid – 19 nhưng công ty không bị ảnh hưởng vì sản phẩm được sử dụng như nước uống hằng ngày. Năm 2022, doanh thu của công ty lên đến 500 triệu đồng”, anh Hưng phấn khởi cho hay.