Nhiều loại rau, quả ở Việt Nam mọc hoang ven đường và được xem như rau, quả dại. Nhưng chúng lại được nhiều nước trên thế giới săn lùng, bán với giá cực cao và được xem như “thần dược”.
Cúc tần xưa ở nông thôn mọc bạt ngàn, hầu như vườn nhà ai cũng có. Những người thuộc thế hệ 8X trở về trước thì không lạ gì cây này, giờ đây, do đất vườn ngày càng thu hẹp để làm nhà, tường thì xây gạch kiên cố nên cây cúc tần cũng dần vắng bóng.
Cúc tần là loại cây thân mềm dễ sống có thể sinh trưởng rất nhanh tạo nên những hàng rào xanh mướt. Những người già ở nông thôn hiểu rất rõ công dụng của cúc tần. Mỗi khi trái gió, trở trời, đau lưng đau khớp lại ra vườn hái nắm là cúc tần về nấu nước uống. Nhiều người còn lấy cả thân cành và lá đem phơi khô rồi nấu nước uống.
Người xưa sử dụng cây cúc tần theo kinh nghiệm truyền khẩu, nhưng ít người biết toàn thân cây cúc tần đều là vị thuốc quý. Theo thuật ngữ đông y cúc tần có tên là: từ bị, đại ngải, hoa mai não, cây đại bi, lức ấn, băng phiến ngải… Tên khoa học: Pluchea indica. Các bộ phận của cây cúc tần từ lá, rễ, và ngọn non… đều là những vị thuốc Nam rất quý, dùng hỗ trợ chữa được rất nhiều bệnh.
Cúc tần có tính mát và vị đắng, có thể dùng để chữa cảm mạo, sốt; tăng cường hệ tiêu hóa; điều trị thấp khớp, gai cột sống và đau nhức xương khớp; có tác dụng lợi tiểu giúp cải thiện chứng bí tiểu; giúp giảm căng thẳng… Theo nghiên cứu, lá cây cúc tần chứa 2,9% protein. Toàn cây có acid chlorogenic, tinh dầu nên giúp ăn ngon miệng, tốt cho tiêu hoá.
Cúc tần món gia vị đặc biệt trong ẩm thực
Cây cúc tần rất hữu ích trong đời sống. Không chỉ sử dụng làm thuốc, cây cúc tần trở nên gần gũi trong bữa ăn hàng ngày. Cúc tần làm bánh, kho cá, nấu canh, ăn sống…. tùy thuộc vào nhu cầu mỗi người. Điều đáng tiếc là cây cúc tần ngày nay càng trở nên vắng bóng, ngay cả ở nông thôn cũng khó kiếm. Giờ đây, nhiều người muốn ăn cúc tần phải bỏ tiền ra mua tại các sạp rau tại chợ, nhưng không phải muốn là mua được, nhiều khi rất khan hàng.
Nhiều nơi người dân còn sử dụng lá cúc tần non làm rau xanh hay làm rau sống, ăn kèm với các thứ rau thơm khác.
Lá cúc tần còn có thể nấu cháo giúp chữa ho do viêm khí quản. Chỉ cần 1 nắm lá cúc tần già băm nhỏ, ít gừng tươi, thịt lợn nạc băm rồi cho vào nấu cùng với gạo tới khi chín nhừ. Món cháo cúc tần thịt nạc băm hơi có vị đắng, lại có vị ngọt của thịt nên rất dễ ăn.
Đặc biệt, lá và ngọn non cây cúc tần có vị đắng nhẹ, mùi thơm của tinh dầu nên khi ăn kèm với món gỏi nhệch rất hợp vị.
Lá cúc tần xào trứng là món ăn rất độc đáo.
Lá cúc tần kho cá trắm, cá mè… là một món ăn ngon với hương vị lạ, được nhiều người ưa chuộng. Rau cúc tần có thể chế biến thành nhiều món ăn như luộc, xào…
Chỉ cần bộ não lợn, lá cúc tần, đu đủ, hoa cúc trắng, gia vị là đã có ngay một tô canh cúc tần thơm ngon bổ dưỡng.
Cúc tần cũng là nguyên liệu không thể thiếu trong món dồi lợn, dồi chó. Lá cúc tần cũng là nguyên liệu chính để làm món bánh nếp cúc tần.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu