Nam Định ‘cán đích’ gieo cấy lúa xuân

Sau những ngày vui tết, nông dân các địa phương trong tỉnh Nam Định đã đồng loạt xuống đồng, mở đầu một vụ SX hứa hẹn bội thu.

10-13-37_nh
Nông dân Nam Định sạ lúa

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đức Hân, Phó Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN – PTNT Nam Định) cho biết, kế hoạch gieo cấy lúa Xuân 2018 của tỉnh Nam Định là 74.285ha. Đến hết ngày 27/2, toàn tỉnh đã cấy, sạ được 69.945ha (đạt 94% diện tích); trong đó diện tích gieo sạ là 38.555ha (52% diện tích).

“Ngày 21/2, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có điện khen về việc hoàn thành gieo trồng vụ xuân 2018 gửi UBND các huyện, thành phố. Trong đó, biểu dương nhân dân và cán bộ các huyện Xuân Trường và Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện gieo cấy nhanh gọn vượt kế hoạch đề ra.

Đến hết ngày 27/2, huyện Vụ Bản gieo cấy xong và các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy và Ý Yên gieo cấy cơ bản xong (95 – 96% diện tích). Dự kiến đến ngày 1/3 toàn tỉnh Nam Định sẽ cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa và rau màu vụ xuân”, ông Hân cho biết thêm.

Ông Hân bộc bạch, để đạt năng suất, sản lượng như đã đề ra, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có những chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung huy động lực lượng, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và sạ lúa trong khung thời vụ tốt nhất.

Sau khi gieo cấy phải thường xuyên đảm bảo mực nước nông cho ruộng lúa từ sau cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu, không để ruộng hạn; khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý cho từng vùng; không để ngập úng những diện tích lúa gieo sạ.

Phối hợp với các Cty khai thác thủy lợi tổ chức tốt việc dự trữ nước trong hệ thống kênh mương; bơm nước tạo đủ nguồn cho các hộ nông dân đấu tát cho những chân ruộng cao, vùng cuối kênh…

Tổ chức chăm bón kịp thời cho lúa, màu sau gieo cấy đảm bảo đúng quy trình hướng dẫn của ngành NN-PTNT, thực hiện bón phân sớm, bón tập trung. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; tổ chức tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh trên các trà lúa. Chú trọng phòng trừ các đối tượng như chuột, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá và sâu cuốn lá nhỏ.

Ngoài ra, phòng trừ sâu bệnh thực hiện theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt & BVTV; đối với bệnh đạo ôn lá phải sử dụng các thuốc đặc hiệu để phòng trừ bệnh ngay khi bệnh chớm xuất hiện…

Tại huyện Trực Ninh, theo ông Phạm Quang Minh, Trưởng phòng NN – PTNT huyện, vụ xuân năm nay toàn huyện gieo cấy 7.200ha. Trong đó, gieo sạ khoảng 40% diện tích, còn lại là cấy. Đến hết ngày 28/2, huyện Trực Ninh cơ bản đã “cán đích” gieo cấy.

Cũng theo ông Minh, vụ xuân 2018, huyện Trực Ninh chủ yếu gieo cấy giống lúa chủ lực là BT7, một giống lúa cho năng suất và chất lượng tốt. “Ngay từ mùng 3 tết, tranh thủ thời tiết ấm dần, bà con nông dân đã xuống đồng làm ruộng. Đến nay, huyện Trực Ninh cơ bản hoàn thành vụ xuân. Hiện tại, chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương phòng trừ sâu bệnh và chăm bón đúng cách để mạ sinh trưởng tốt nhất”, ông Minh cho hay.

Có mặt tại xã Trực Chính, chạy dọc theo những cánh đồng, chúng tôi thấy những mầm mạ non đang cựa mình nhú khỏi mặt đất. Bắt gặp bà Đinh Thị Sáu đang lội ruộng kiểm tra những te mạ mới gieo sạ, tôi được biết, từ năm ngoái người dân nơi đây đã chuyển sang phương thức gieo sạ. Bởi, phương thức này cho năng suất cao hơn 10 – 15% so với cấy lúa.

“Do điều kiện thời tiết từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 có rét đậm, rét hại, nhiệt độ dao động từ 10 – 18 độ C có ngày xuống dưới 9 độ C đúng vào thời kỳ gieo mạ nên đến ngày 8/2 toàn tỉnh mới gieo mạ cơ bản xong, chậm hơn so với kế hoạch khoảng 4 ngày.

Thời kỳ gieo cấy trùng đúng vào tết Nguyên đán nên đã ảnh hưởng đến tiến độ. Tuy nhiên, sau tết trời nắng, ấm, nhiệt độ dao động 16 – 23 độ C là điều kiện thuận lợi cho việc gieo cấy nên ngay từ ngày mùng 3, mùng 4 tết các hộ nông dân đã tập trung xuống đồng khẩn trương cấy, sạ. Như vậy, cơ bản diện tích lúa của tỉnh được gieo cấy trong khung thời vụ cho phép”, ông Hoàng Đức Hân.

Theo Nongnghiep.vn