Ngải cứu vừa là một loại thực phẩm vừa là vị thuốc Đông y, tuy nhiên nếu dùng sai cách sẽ gây hại cho sức khỏe.
Ngải cứu còn có tên thuốc cứu, ngải diệp, nhả ngải (Tày), quá sú (Mông), cỏ linh li (Thái). Đây là cây thân thảo, sống lâu năm, lá mọc so le, chẻ lông chim, phiến men theo cuống đến tận gốc, dính vào thân như có bẹ, các thùy hình mác hẹp, đầu nhọn, mặt trên màu lục sậm, mặt dưới phủ đầy lông nhung màu trắng. Những lá ở ngọn có hoa không chẻ. Không chỉ được sử dụng làm thực phẩm, ngải cứu được sử dụng trong dân gian và Đông y để chữa bệnh.
Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, được sử dụng để chữa trị trong các trường hợp: phụ nữ kinh nguyệt không đều, ghẻ lở, viêm da, dị ứng, viêm gan, trừ giun, điều hòa khí huyết, ôn kinh, an thai, đau bụng do lạnh, nôn mửa, kiết lỵ…
Tuy nhiên, vì dược tính cao nên ngải cứu cũng có nhiều tác dụng phụ. Với một số người, nếu dùng ngải cứu quá nhiều có thể gây ra ngộ độc, thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức dẫn tới chân tay run giật cục bộ hoặc co giật. Sau vài lần có thể dẫn đến co cứng, nói sàm, thậm chí tê liệt, có tổn thương ở tế bào não… và di chứng để lại là hay quên, ảo giác, viêm thần kinh…
Để phát huy công dụng và tránh tác dụng phụ của ngải cứu, theo các chuyên gia, người bình thường chỉ nên ăn ngải cứu từ 1-2 lần/tuần. Đối với người không có bệnh, không nên sử dụng nước sắc ngải cứu như một thứ nước uống thường xuyên giống như nước trà.
Nếu sắc ngải cứu để uống thay nước chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi)/lần và sử dụng theo từng đợt. Khi khỏi bệnh thì nên nghỉ, tránh sử dụng liên tục trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, những nhóm người sau nên hạn chế hoặc không nên ăn rau ngải cứu
Người bị viêm gan
Tinh dầu trong ngải cứu là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là thành phần chứa độc tính. Nếu người bị viêm gan ăn ngải cứu, khi đó dược chất đi vào gan sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da, khiến cho gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria). Do đó người bị viêm gan nên tránh xa món này.
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu
Một số nghiên cứu cho thấy bà bầu ăn quá nhiều ngải cứu trong 3 tháng đầu mang thai sẽ làm tăng nguy cơ bị ra máu, co bóp cổ tử cung dễ dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Chính vì thế, phụ nữ có thai nên chú ý khi ăn ngải cứu, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Người bị rối loạn đường ruột cấp tính
Một trong những tác dụng nổi bật của ngải cứu đó là giúp cơ thể tăng việc đi tiểu, vì thế nó được xem là một vị thuốc nhuận tràng hiệu nghiệm. Thế nhưng, chính do tác dụng này mà những người bị rối loạn đường ruột cấp tính cần phải tránh xa ngải cứu, nếu không bệnh tình sẽ khó kiểm soát và ngày một trầm trọng hơn.
Người bị dị ứng
Ngải cứu có thể gây phản ứng dị ứng ở những người dị ứng với họ thực vật Asteraceae hay Compositae. Các thành viên của họ thực vật Asteraceae bao gồm hoa cúc và nhiều loại thảo mộc khác.
Ngải cứu cũng có thể gây phản ứng dị ứng ở những người bị dị ứng với cỏ bạch dương, cần tây hoặc cà rốt. Một số nguồn thông tin cho rằng vị thuốc này có thể gây phản ứng dị ứng ở những người bị dị ứng với mù tạt trắng, mật ong, sữa ong chúa, hạt phỉ, ô liu, cao su, đào, kiwi và các cây khác từ chi Artemisia. Ngoài ra phấn hoa ngải cứu có thể gây phản ứng ở những người dị ứng với thuốc lá.