Triển khai các mô hình canh tác thuận thiên để tạo nên những sản phẩm nông nghiệp đặc thù chất lượng cao

Ngày 21/3 vừa qua, tại Cà Mau, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL.

1
Luân canh lúa-tôm tại huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) được xem là mô hình sản xuất thuận thiên, đang được phát triển nhiều nơi trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).

Hội nghị lần này là hành động cụ thể của Việt Nam nhằm triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), gắn với Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (còn gọi là Nghị quyết “thuận thiên”).

Đây cũng là dịp để các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cùng ngồi lại để bàn bạc, thống nhất kích hoạt các giải pháp nhằm triển khai, nhân rộng các mô hình canh tác thuận thiên có hiệu quả, từ đó tạo nên những sản phẩm nông nghiệp đặc thù chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và xu hướng tiêu dùng nông sản sạch của thế giới.

Thuận thiên là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan, khẳng định: Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

Để phát triển nông nghiệp thuận thiên đạt hiệu quả, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Chính phủ Việt Nam, đặc biệt về nguồn lực, giải pháp tài chính linh hoạt… nhằm triển khai các “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên là cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp. Tiếp đến là giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua quá trình hấp thụ các bon của đất, đất ngập nước và rừng. Đồng thời, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra lời kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam 6 nguồn lực. Cụ thể là cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên.

Phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư “không hối tiếc” thông qua các Dự án tại ĐBSCL. Hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn và thực hiện thí điểm các mô hình hoặc giải pháp thuận thiên. Trong đó, chú trọng kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa công trình và phi công trình, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tiếp đến là có những hỗ trợ về nguồn lực nhằm triển khai các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH. Từ đó, đưa ĐBSCL trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động.

Những giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận với đặc thù khu vực ĐBSCL sẽ là nguồn lực quý báu giúp ĐBSCL hiện thực hóa nhiều mục tiêu.

Mặt khác, việc kết nối với các địa phương, doanh nghiệp trong nước, nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên. Tạo liên kết chuỗi với tổ nhóm nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc cung cấp các nguồn tài chính linh hoạt.

Cuối cùng là mong muốn tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp và tổ nhóm nông dân để cùng với triển khai các mô hình thí điểm, mang tính sáng tạo tạo cơ sở nhân rộng cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Đồng thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài và các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hóa thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ.

2
Quang cảnh Hội nghị.

Mở ra dư địa, không gian phát triển mới cho vùng ĐBSCL

Đại diện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực, đồng chí Lê Văn Sử, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: ĐBSCL là phần cuối cùng của lưu vực sông Mê Công, có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 04 triệu ha, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gần 03 triệu ha. Đây là vùng có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về sản xuất nông nghiệp (bao gồm: trồng lúa, nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt). Sản lượng nông nghiệp so với cả nước trong những năm gần đây chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản trên 70%.

Tuy vậy sự phát triển bền vững ĐBSCL đang đứng trước các thách thức lớn gồm: Tác động từ các hoạt động phát triển ở thượng lưu sông Mê Công; tác động của biến đổi khí hậu – Nước biển dâng; từ những hoạt động phát triển của nội tại trên Đồng bằng. Các tác động nói trên đã, đang và sẽ dẫn đến các thách thức, bao gồm: An ninh nguồn nước, ngập nước, suy thoái Đồng bằng,… Trước các diễn biến và thách thức tác động ở Đồng bằng, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã mở ra nhiều cơ hội cho Đồng bằng phát triển theo hướng thuận thiên. Thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ ưu tiên sản xuất lúa gạo sang thủy sản, cây trái; đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất theo hướng thích nghi với các thay đổi về nguồn nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nước ngọt; biến thách thức về nguồn nước, xâm nhập mặn thành cơ hội làm gia tăng phát triển bền vững trên Đồng bằng.

Sản phẩm “thuận thiên” thời gian qua cũng được một số tổ chức, doanh nghiệp quan tâm, nhưng chưa nhiều, chưa phát huy hết ý nghĩa của các sản phẩm sinh kế. Một số dự án đầu tư hạ tầng sinh kế được xem như là đầu tư công, nên tỷ lệ vay lại của tỉnh còn cao, trong khi sinh kế nhiều rủi ro. Nguy cơ tác động ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu cực đoan, khó lường, tình trạng sụt lún đất, xói lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp toàn vùng.

Từ những thực trạng và thách thức trên, buộc các địa phương vùng ĐBSCL phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên sự biến động của nguồn nước, trong đó nhiều địa phương đã coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên cho phát triển. Từ đó, hợp tác với các nhà khoa học tạo ra những mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn đa dạng về quy mô, dựa vào đặc điểm tự nhiên, tập quán sản xuất; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn; vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy dựa trên tăng diện tích, sản lượng sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Tinh thần chủ động, linh hoạt thích ứng của các địa phương, người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL và các nhà khoa học, sẽ tiếp tục mở ra dư địa, không gian phát triển mới. Đây cũng là những quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL tại quy hoạch vùng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp “đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên” xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng như: Mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh, mô hình thâm canh xoài theo hướng hữu cơ, mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Đồng Tháp; mô hình làng tuần hoàn thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh An Giang; mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải;…

3
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Riêng đối với tỉnh Cà Mau, thực hiện Nghị quyết 120, nông dân tỉnh Cà Mau đã có cách tiếp cận mới trong sản xuất, chuyển từ thế bị động sang chủ động ứng phó trước xâm nhập mặn. Tỉnh Cà Mau đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, như: Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm – lúa hữu cơ, mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 02 giai đoạn;… Chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão,… góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đổi mới diện mạo nông thôn, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực, trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản – trái cây – lúa gạo chất lượng cao, giúp nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng và đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án vùng ĐBSCL đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016 – 2020. Đối với tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án ngành nông nghiệp 2.507 tỷ đồng; trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương khoảng 655 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 970 tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài (ODA) 882 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam: (1) Cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên; (2) Phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư không hối tiếc thông qua các Dự án tại ĐBSCL; hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp, chú trọng tới các giải pháp kết hợp hài hòa đồng bộ giữa công trình và phi công trình – thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp an sinh xã hội, quản lý bền vững nguồn lực tự nhiên gắn với chuyển đổi số và cải cách thể chế chính sách; (3) Hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai các “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; “Đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL”…, tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, đai giá trị, hiệu quả cao, tối ưu hóa các dịch vụ của hệ sinh thái phục vụ cho phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng. Đồng thời, tăng cường tư vấn kỹ thuật, đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp triển khai các Chương trình/Đề án này một cách hiệu quả; (4) Cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực ĐBSCL, đặc biệt lưu ý về ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các Dự án nông nghiệp đầu tư công; (5) Kết nối với các địa phương và doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên, tạo liên kết chuỗi với tổ nhóm nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc cung cấp các nguồn tài chính linh hoạt từ các quỹ đầu tư, các thể chế tài chính đa phương và song phương; (6) Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp và tổ nhóm nông dân cùng với triển khai các mô hình thí điểm có tính sáng tạo để phát triển nông nghiệp thuận thiên, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhân rộng cho các tỉnh vùng ĐBSCL.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cam kết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế, tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài và các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hóa thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ.

Thông qua Hội nghị, các đối tác quốc tế như EU, Mỹ, Úc, FAO, UNDP, WWF, SNV…, các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên; mạng lưới kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp trong nước cho khu vực ĐBSCL được hình thành; các mô hình thuận thiên đã triển khai trong nước và quốc tế được chia sẻ và nhân rộng. Từ đó, đề xuất giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính, cơ chế và chính sách có liên quan nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho các vùng miền khác của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về Tiểu vùng Sông Mê Kông cho giải pháp nông nghiệp thuận thiên.